ThS. BS Trần Việt Cường, trưởng khoa sản bệnh viện Nhân dân Gia Định, TPHCM đã phát biểu rằng nhu cầu muối khoáng, canxi, phốt pho và sắt của các bà mẹ trong thời gian mang thai và cả thời kỳ hậu sản đặc biệt tăng cao. Bà bầu cần bổ sung sữa, bơ, trứng, thịt, gan, các loại rau lá xanh,… mỗi ngày để hấp thụ đủ dinh dưỡng. Không được quên vitamin và các chất khoáng khác vì chúng cũng không thể thiếu cho cơ thể bà bầu.
Canxi và phốt pho:
Canxi không thể thiếu trong các bữa ăn hằng ngày của mẹ vì canxi là thành phần chính cho răng, đồng thời còn giúp xương chắc khỏe. Bé có thể bị mềm xương sọ, thóp rộng, có thể bị co giật do thiếu canxi. Một ngày, bạn cần 1,5g canxi và phốt pho trong thời kỳ mang thai và 2g trong thời kỳ hậu sản. Nếu không mang thai bạn cũng cần 0,8g mỗi ngày. Bạn có thể bổ sung vi chất này thông qua 1-2 ly sữa hằng ngày, hoặc 100-200g cá, hải sản, cá hộp hoặc 50g mè.
>>>>>Mách bạn 8 loại thực phẩm bổ dưỡng cho trí não của thai nhi
Acid folic: mọi bà bầu đều không thể quên loại vi chất này trong suốt thời gian mang thai, thiếu acid folic dễ gây ra dị tật cho ống thần kinh của thai nhi. Bạn nên bổ sung 600 µg mỗi ngày là tốt nhất cho cơ thể. Acid folic tồn tại nhiều trong các loại rau có màu xanh sẫm và các loại rau có lá to. Hoặc bạn cũng có thể uống bổ sung acid folic 400 µg một ngày. Trong 12 tuần đầu phải uống liên tục để con được khỏe mạnh.
Sắt:
Sắt giúp tái tạo máu cho cơ thể nên vô cùng cần thiết đặc biệt là đối với các bà bầu. Các mẹ cần 20-30mg sắt mỗi ngày khi đang mang thai và khi đang trong thời kỳ hậu sản. Rất nhiều bà bầu bị mắc chứng thiếu máu, nhất là những bà bầu đẻ dày và ăn uống thiếu thốn. Khi thiếu máu, các mẹ thường mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, gặp nhiều rủi ro khi đẻ và cũng có thể bị tử vong, đối với trẻ sơ sinh cũng vậy. Bạn nên cố gắng ăn những thực phẩm giàu sắt như thịt có màu đỏ, tim, gan, cật, các loại đậu, rau xanh, đậu, mè,… Bột dinh dưỡng, bột mì, nước mắm, mì tôm cũng cung cấp rất nhiều chất sắt các mẹ còn thiếu. Mỗi ngày bạn có thể uống một viên sắt hàm lượng 60mg vào giữa bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ và liên tục trong suốt thai kỳ.
Vitamin A:
Cơ thể mẹ cần loại vi chất này để tăng sức đề kháng. Bạn cần 800ug mỗi ngày để duy trì cơ thể, tuy nhiên không nên uống quá nhiều vitamin này vì có thể gây quái thai. Các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật như gan, lòng đỏ trứng, bơ, sữa, thịt,… rau củ màu xanh, vàng, đỏ là nguồn cung cấp vitamin A dồi dào.
Vitamin D:
Nhờ có loại vi chất này mà cơ thể hấp thụ canxi và phốt pho dễ dàng hơn, tốt cho xương. Bạn dễ bị nhuyễn xương, co giật do loãng xương và hạ canxi. Ngoài các loại thực phẩm như gan, cá, trứng, bơ, sữa, các loại cá béo, các bà bầu có thể bổ sung vitamin D bằng cách phơi nắng sáng mỗi ngày khoảng 15-30 phút.
Vitamin B1:
Vitamin này giúp ngăn ngừa bệnh phù thường gặp ở bà bầu. Bạn chỉ cần ăn gạo không xay xát quá trắng và ăn nhiều đậu. Ngoài ra còn có thịt lợn, rau, các loại sản phẩm từ nấm, men, một số loài cá,…
I-ốt:
Khi mang thai, I-ốt trở nên vô cùng quan trọng. Nếu không hấp thụ đủ I-ốt sẽ dẫn đến sự phát triển của bào thai, nhiều trường hợp còn gây ra sẩy thai, thai chết lưu, sinh non, trẻ bị thiểu năng trí tuệ, cân nặng thấp, liệt tay chân, nói ngọng, điếc, câm, lé. Nghiêm trọng nhất có thể kể đến tử vong. Nhiều loại thực phẩm rất giàu I-ốt như cá biển, rong biển và ngoài ra bạn còn có thể bổ sung bằng cách thay thế muối thường bằng muối I-ốt trong các bữa ăn. 200ug một ngày là liều lượng cần thiết cho mọi thai phụ.